OnePlus 7 Pro có các thông số cao cấp như chip Snapdragon 855, màn hình AMOLED cong 6.7 inch độ phân giải 3120 x 1440 pixel. Đây cũng là smartphone đầu tiên của công ty Trung Quốc được trang bị màn hình QHD+ với tốc độ làm tươi 90Hz. Tốc độ này nhanh hơn 50% so với hầu hết các smartphone trên thị trường, cung cấp cho người dùng trải nghiệm mượt mà khi lướt web, chơi game, xem video...
Mặt sau OnePlus 7 Pro có 3 camera với camera chính 48MP trong khi mặt trước là camera trượt 16MP. Các tùy chọn về cấu hình bao gồm 6GB/128GB và tối đa 12GB/256GB. Máy dùng pin 4.000mAh.
Với mức giá trong khoảng từ 669 tới 749 USD, mọi người có thể nghĩ rằng OnePlus chỉ kiếm được vài USD trên mỗi chiếc OnePlus 7 Pro được bán ra. Mức lợi nhuận tính trên từng thiết bị có lẽ sẽ rất nhỏ?
Nhưng thực tế lại đi ngược với suy nghĩ của mọi người. Một bức ảnh chụp giá linh kiện OnePlus 7 Pro bản 6GB/128GB vừa được đăng tải trên Weibo cho thấy OnePlus kiếm được kha khá doanh thu từ mỗi chiếc flagship mới của họ.
Nếu bức ảnh này chính xác, linh kiện đắt nhất của OnePlus 7 Pro là màn hình AMOLED được mua từ Samsung, có giá hơn 80 USD/1 chiếc. Cụm 3 camera sau gồm các cảm biến 48MP + 8MP + 16MP có giá 27,29 USD, RAM 6GB LPDDR4X có giá 26 USD trong khi ROM 128GB có giá 20 USD. Chip Snapdragon 855 cũng không hề rẻ, 70 USD 1 chiếc.
Tổng cộng, chi phí linh kiện cho một chiếc OnePlus 7 Pro 6GB/128GB là 324,21 USD. Mặc dù con số này chưa tính tới tiền R&D, chi phí lao động lắp ráp, đóng gói, vận chuyển, marketing.... nhưng với mức giá bán lẻ 669 USD, OnePlus vẫn đút túi một khoản tiền lớn trên mỗi chiếc flagship bán ra.
Có một vài điểm tương đồng khi so sánh bảng giá linh kiện OnePlus 7 Pro với Apple iPhone XS Max. Màn hình OLED 6.5 inch trên iPhone có giá xấp xỉ 80 USD. Apple phải trả khoảng 72 USD cho chip A12 Bionic so với 70 USD OnePlus chi cho Snapdragon 855.
Tuy nhiên, cũng có vài điểm khác biệt như cụm camera kép trên iPhone có giá 44 USD, cao hơn gần 17 USD so với cụm 3 camera trên OnePlus 7 Pro. Tổng thể, Apple trả 443 USD cho các linh kiện tạo nên iPhone XS Max 256GB trong khi bán lẻ nó với giá 1.249 USD. Rõ ràng Apple có mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với OnePlus.
Có lẽ Xiaomi là hãng thu lợi nhuận ít nhất trong làng smartphone. Xiaomi luôn cam kết không thu lợi nhuận cao hơn 5% trên bất kỳ phần cứng nào mà hãng bán ra. Nếu lợi nhuận cao hơn 5%, Xiaomi sẽ tìm cách bù đắp cho khách hàng.
Năm 2015, cựu nhân viên Google và từng là CEO Xiaomi, Hugo Barra đã giải thích về cách Xiaomi duy trì mức lợi nhuận dưới 5%. Theo Barra, Xiaomi đặt giá ban đầu của thiết bị ở mức cao nhưng bán chúng trong một thời gian dài. Bằng cách này, trong vòng đời của thiết bị khi linh kiện giảm giá, Xiaomi có thể giảm giá bán mà vẫn có lợi nhuận. Barr chia sẻ rằng trong vòng đời từ 18 đến 24 tháng, một thiết bị của Xiaomi có thể giảm giá tới 3 hoặc 4 lần.