Năm 2007, LG bị Samsung đánh bại và vượt lên dẫn đầu về doanh số ở thị trường TV. Suốt 5 năm sau đó, mọi cố gắng và nỗ lực thay đổi tình hình của công ty này đều thất bại. Đó là lý do khiến năm 2012, nhà sản xuất này quyết định đặt cược một ván bài lớn khi dồn sức vào nghiên cứu sản xuất các tấm nền OLED cỡ lớn.
Quyết định này dường như càng thêm chắc chắn khi 2 năm sau, 2014, Samsung quyết định ngừng sử dụng công nghệ OLED và chuyển sang dùng tấm nền QD-LCD trên các dòng TV flagship của mình. Lựa chọn của Samsung dựa trên các cân nhắc về công nghệ và lợi nhuận, khi không thể tìm ra cách loại bỏ hoàn toàn vấn đề điểm ảnh xanh (lỗi burn-in) cũng như muốn khai phá lợi nhuận khi chuyển sang sản xuất OLED cho các thiết bị màn hình nhỏ như smartphone. Bởi với vòng đời sản phẩm ngắn hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn, màn hình OLED cỡ nhỏ sẽ không đối mặt với những vấn đề tương tự trên TV.
Còn LG khi đó lựa chọn con đường kiên trì tới cùng với OLED và cố gắng giải quyết bài toán burn-in bằng công nghệ OLED trắng, tức phủ lên tấm nền thông thường một chuỗi các bộ lọc màu để tạo ra 4 điểm ảnh phụ là đỏ, xanh lá, xanh dương và trắng. Mục đích của nó là bảo vệ các điểm ảnh xanh dương khỏi bị lão hóa. Ván cược này rất lớn, bởi LG tin rằng OLED trên TV chính là tương lai.
Thời điểm đó, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ không phải là cuộc chơi dành cho các công ty nhỏ, bởi nó đòi hỏi số tiền đầu tư khổng lồ. LG, dù không quá rủng rỉnh về tiền bạc, nhưng với sự quyết tâm cao vẫn miễn cưỡng lấy ra đủ số vốn để chi dùng. Lựa chọn của LG khi đó vẫn được đánh giá là chính xác, với bằng chứng là những năm sau đó TV OLED của công ty đã được đánh giá cao, đạt được những thành công nhất định.
Sau 7 năm, một quãng thời gian dài kiên trì xây dựng thị trường và hệ sinh thái, cuối cùng mảng kinh doanh TV OLED của LG đã lần đầu tạo được lợi nhuận. Nhưng con số này vẫn quá ít ỏi. Trong khi đó, sản phẩm chủ chốt của họ là tấm nền LCD lại bắt đầu gặp phải vấn đề nghiêm trọng khi giá của loại tấm nền này đang giảm mạnh.
Câu chuyện của LG và mảng sản xuất TV của mình giống như hoàn cảnh của một cậu học trò nhà nghèo vượt khó. Cậu cần mẫn chăm chỉ học hành, đầu tư tiền bạc và thời gian, tới lúc vừa ra trường có chút thành quả được ghi nhận thì thời thế lại chuyển dời.
Đối thủ ở đây là Samsung, một cậu ấm con nhà giàu, trông có vẻ lười biếng nhưng không kém phần nhanh nhạy, bên cạnh việc có sẵn tiềm lực kinh tế ổn định. Tận dụng sự sụt giá của tấm nền LCD, Samsung đẩy mạnh việc sản xuất dòng TV LCD chấm lượng tử, được gọi với cái tên QLED để nhanh chóng thu về doanh số bán hàng khủng. Tới năm 2018, công ty này tiếp tục tung ra dòng TV MicroLED, vốn có khả năng hiển thị màu đen không thua kém OLED. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm nay, "gã nhà giàu" này lại tiếp tục tung ra thông tin đang phát triển các tấm nền OLED chấm lượng tử, với tên gọi QD-OLED. Hàng loạt các ngón đòn của Samsung, đủ âm hiểm và sâu cay, bởi nó có thể giúp công ty này thâu tóm thị trường LCD bằng các sản phẩm QLED. Tiếp đó là tiến tới gặt hái thành công với QD-OLED bằng việc tận dụng hệ sinh thái OLED mà LG đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua.
Không phải ai cũng có thể làm được như Samsung, bởi thử nghiệm cả 3 loại công nghệ khác nhau cùng một lúc đòi hỏi nhà sản xuất phải có một nền tảng kinh tế vững mạnh, tới mức chấp nhận có thể mất trắng nếu sai lầm. Lãi trên từng quý của Samsung có lúc đạt tới 14 tỷ USD, bằng với lãi cả năm của LG (số liệu năm 2018).
Một điều đáng tiếc khác là LG đầu tư 7 năm vào công nghệ OLED và vừa mới bắt đầu thấy lãi, đánh đổi bằng việc không có một kế hoạch dự phòng nào cho mảng kinh doanh màn hình của mình. Kết quả là chưa lật đổ nổi đối thủ, đã chuẩn bị phải nhận lại 3 đòn tấn công trả đũa khá nặng nề. Nhưng giờ đây dù có muốn thay đổi, LG cũng không thể chuẩn bị được 3 công nghệ mới cùng lúc, cũng như nguồn tài chính trù bị khổng lồ như Samsung. Cuộc chơi bỗng dưng mất đi sự gay cấn và khốc liệt, bởi một trong hai đối thủ có quá nhiều tiền.
Tất nhiên, không thể vì thế mà gạt bỏ hết những cố gắng và nỗ lực của LG trong suốt những năm qua, khi tạo được sự đột phá mạnh mẽ với dòng TV OLED của riêng mình. Công ty cũng có thể lựa chọn các biện pháp khác để đối phó trong tương lai, như kết hợp với một đơn vị danh tiếng khác theo phương châm "kẻ thù của kẻ thù chính là bạn". Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Chỉ tiếc rằng dù cái giá mà LG đã trả trong thời gian qua đã khá lớn, nó vẫn chưa đủ để đảo chiều được cuộc chiến với Samsung.
Tham khảo ZDNet